‘Coi học nghề kém hơn đại học đã lỗi thời’

‘Đại học không phải là con đường duy nhất, một người học trung cấp vẫn có thể trở thành doanh nhân, nhà khoa học. Tư duy coi học cao đẳng, trung cấp nghề kém hơn đại học nay đã lỗi thời’

Ông Lê Quân, thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội – đã phát biểu như vậy tại Hội thảo quốc tế Phát triển và công nhận trình độ kỹ năng nghề cho thanh niên thời kỳ mới do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức sáng 14-7 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Lê Quân cho biết gần đây ông đọc báo thấy có thông tin hơn 250.000 học sinh thay vì đăng ký thi đại học, đã “bỏ cuộc” chuyển sang đăng ký cao đẳng, học nghề. Ông Quân cho rằng dùng từ “bỏ cuộc” không còn phù hợp vì giáo dục nghề nghiệp hiện nay có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế.

“Đại học đào tạo ra nhân lực tinh hoa, có khả năng giải quyết những vấn đề mới, sáng tạo công nghệ mới. Còn giáo dục nghề nghiệp tạo ra đội ngũ triển khai những công nghệ đó. Đại học không phải con đường duy nhất. Không nên coi cao đẳng, trung cấp là nguyện vọng 3, nguyện vọng 4, mà nên coi đó là lựa chọn đúng đắn, quan trọng của thí sinh” – ông Lê Quân chia sẻ.

Thông tin từ những đại biểu đến từ các quốc gia phát triển tại hội thảo cho thấy nhiều quốc gia có cách tiếp cận về giáo dục nghề nghiệp khác hẳn Việt Nam.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia coi chứng chỉ kỹ năng nghề là loại chứng chỉ bắt buộc. Bước vào hệ THPT, học sinh Hàn Quốc có thể chọn trường THPT chuyên biệt, ra trường học sinh được cấp chứng chỉ ở cấp độ 1 (cấp độ thấp nhất trong tổng số 5 cấp độ), có thể đi làm luôn. Ngoài ra còn có trường THPT chuyên nghiệp dành cho học sinh có kỹ năng nghề đặc biệt. Học sinh được miễn học phí, ra trường được cấp chứng chỉ tương đương một kỹ sư công nghiệp.

Những người tham gia các cuộc thi tay nghề địa phương, tay nghề quốc gia, tay nghề thế giới có thể được tuyển thẳng vào đại học với tư cách người có kinh nghiệm, khi xin việc tại trung ương, địa phương họ được miễn chứng chỉ.

Ngoài ra Hàn Quốc còn có chương trình vừa học vừa làm áp dụng với sinh viên, người mới đi làm trong công ty. Với chương trình học và làm ngay tại công ty, kết thúc học viên có thể nhận bằng thạc sĩ hoặc chứng chỉ chuyên gia. Nhờ có chính sách phát triển tốt, Hàn Quốc có thể thúc đẩy thanh niên tham gia giáo dục nghề một cách tự nguyện.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Trường – vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – cho biết hiện lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam là 55,46 triệu người. Trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ chiếm 22,37%. Như vậy số lao động chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ chiếm tới 77,63%…

Theo Ngọc Diệp – Báo Tuổi Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *